Cây hạt đác mọc nhiều ở Nha Trang, quả có hình thù khá giống dừa non, qua nhiều công đoạn phức tạp mới lấy được hạt bên trong. Hạt đác dễ bị nhầm lẫn với thốt nốt nhưng khi thử mới thấy dẻo hơn, béo hơn. Loại hạt này có nhiều công dụng cho sức khỏe: ngăn ngừa loãng xương, điều trị viêm khớp, điều hòa huyết áp, hỗ trợ tiêu hóa… đồng thời còn giúp đẹp da, giữ dáng nên được nhiều chị em ưa thích. Các món ăn từ hạt đác dưới đây khá dễ chế biến và giải nhiệt rất tốt trong mùa hè.
Hạt đác rim đường phèn
Lựa hạt non và nấu đủ độ sẽ cho thành phẩm vừa dẻo, vừa giòn, quyện đường phèn nên ngọt thanh, bỏ thêm đá hoặc sữa chua vào ăn rất mát. Ảnh: anngonnhatrang.com
Xem thêm tour mũi né của công ty Đất Việt Tour tại đây, hoặc liên hệ 1800 6700 để được tư vấn miễn phí về các tour du lịch bạn nhé.
Cách phổ biến và đơn giản nhất để thưởng thức hạt đác là rim đường phèn. Hạt đác được rửa nhiều lần cho sạch, chần vào nước nóng già, nấu cho đến khi sôi lại khoảng năm phút thì vớt ra, xả với nước lã để không mất đi độ giòn. Mang phần hạt đác đã sơ chế này ngâm với đường phèn khoảng nửa tiếng cho thấm ngọt rồi rim trên chảo lớn, không cần thêm nước, đến khi đường sóng sánh, hạt đác có màu trong là hoàn thành.
Nếu chẳng may chọn phải hạt già, bạn nên chẻ nhỏ hạt đác làm hai hoặc ba phần trước khi chế biến để khi ăn dễ nhai, món ăn sừn sựt rất vui miệng.
Hạt đác rim dứa (thơm)
Cách làm món này tương tự như hạt đác rim đường, lưu ý nhỏ là trước khi cho dứa vào đảo cùng hạt đác ngâm đường thì phải chần qua nước sôi. Ảnh: Ruby Nguyễn
Thực khách trót yêu thích vị chua ngọt thú vị của món hạt đác rim dứa không nhất định phải tới tận Nha Trang để ăn. Khi hạt đác dễ dàng được đóng gói và chuyên chở đi khắp nơi, bạn cũng có thể tự mua về và chế biến.
Món ăn vặt này rất ngon nếu cho thêm vani và gừng để tăng hương vị. Bạn có thể sáng tạo thêm nhiều món khi thay thế dứa bằng hoa atiso, chanh dây, cà phê, ca cao… tùy sở thích.
Hạt đác ngũ sắc
Nếu lo lắng hạt đác ở ngoài hàng quán dùng phẩm màu hoặc siro không bảo đảm, bạn có thể tự “nhuộm” hạt đác với màu thiên nhiên từ những vật liệu tươi như nước ép lá dứa, cà rốt, củ cải đỏ…
Mỗi màu sắc là một vị riêng biệt. Ảnh: lozi.vn
Hạt đác chưng với đường cho đến khi sắp hoàn tất thì đổ thêm nước màu vào, đến khi chảo cạn nước và có độ keo thì hạt đác thành phẩm cũng có màu rất đẹp mắt, trong vắt như những viên kẹo dẻo.
Chè mít đác
Ngay cả những bà nội trợ “bất đắc dĩ” cũng có thể dễ dàng nấu được món chè mít đác ngọt nhạt, bồi dưỡng cho gia đình vào những ngày cuối tuần. Sau khi sơ chế hạt đác và ngâm đường cho thấm, trút hết phần nguyên liệu này vào nồi, cho thêm nước rồi đun trên lửa nhỏ. Chè hạt đác chín, để nguội, múc ra từng cốc, bỏ thêm phần mít tươi xé sợi, dứa thái lát mỏng, rưới ít nước cốt dừa, làm lạnh và thưởng thức.
Chè hạt đác là món giải ngấy rất tốt sau những bữa ăn nhiều đạm. Ảnh: webtretho.com
Bên cạnh đó, hạt đác còn được làm vật liệu cho vào trà sữa, chè xu xoa, chè đậu đen, nước ép… Thực khách có thể nếm thử các món ăn vặt tẩm bổ từ hạt đác ở các khu chợ, các quán chè nổi tiếng. Địa chỉ tham khảo là hàng chè trái cây trên đường Bạch Đằng, Tô Hiến Thành, Quang Trung (Nha Trang), quán sinh tố trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (TP HCM).