Không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân ngay trong ngày… là những lời quảng cáo hấp dẫn trên hàng loạt ứng dụng (app) vay tiền trực tuyến (online) với khách hàng. Tuy nhiên, trước những nguy cơ xảy ra rủi ro khi vay tiền trực tuyến, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng để tránh “sập bẫy” tín dụng “đen”.
Người dân cần tìm hiểu kỹ các thông tin về các ứng dụng cho vay trực tuyến để tránh bị sập “bẫy”.
Chiêu trò tinh vi
Chỉ cần lên mạng, gõ từ khóa “vay tiền”, “vay nhanh” hay “vay online”, ngay lập tức các trang tìm kiếm hoặc chợ ứng dụng (CH Play, App Store) sẽ trả về hàng trăm trang web cho vay trực tuyến cũng như hàng loạt ứng dụng di động cho vay với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn. Các ứng dụng cho vay tiền trực tuyến có nhiều cách thức tiếp cận, chào mời người vay tiền thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội. Những ai có nhu cầu chỉ cần ngồi nhà cũng có thể vay tiền thông qua vài thao tác trên điện thoại.
Đối tượng mà các đơn vị cho vay trực tuyến hướng tới là thanh niên từ 18 tuổi trở lên có nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân. Thủ tục cho vay khá đơn giản, người đi vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân sau đó dùng danh bạ điện thoại làm tài sản thế chấp, gửi qua app. Chỉ với thủ tục như vậy khách hàng có thể vay từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết giấy tờ vay nợ.
Ngay sau khi giải ngân, nhóm cho vay sẽ thu ngay tiền lãi, tiền phí dịch vụ còn tiền gốc người vay sẽ phải trả theo thỏa thuận. Đến kỳ hạn trả tiền, khách hàng tự chuyển tiền vào số tài khoản hoặc số hợp đồng của bên cho vay cung cấp. Trường hợp không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên để tính với mức lãi suất.
Khi nhận thấy người nào mất khả năng thanh toán, nhóm cho vay sẽ chỉ đạo bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện với tần suất tăng dần, thậm chí đe dọa, khủng bố tinh thần người vay và người thân cùng các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại. Nhiều trường hợp, chúng cắt ghép hình ảnh của người vay và người quen liên quan rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, ép nhanh trả nợ. Trường hợp xảy ra tại tỉnh Đồng Nai, hàng chục giáo viên một trường mẫu giáo ở huyện Thống Nhất bị một số người khủng bố tinh thần bằng cách đăng hình ảnh lên mạng xã hội vu khống, xúc phạm danh dự chỉ vì trong trường có một cô giáo vay tiền qua app nhưng chưa trả. Hồi đầu tháng 5-2022, một Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cũng từng bị nhóm đòi nợ quấy rối, khủng bố tinh thần vì nguyên nhân con của một nhân viên trong trường có vay 30 triệu đồng qua app nhưng chưa trả nợ.
Thực chất, các ứng dụng vay tiền trực tuyến là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Về tính chất, vay tiền qua app rất thuận lợi, nhanh chóng khi ứng dụng được sự phát triển của công nghệ thông tin, việc thực hiện các giao dịch trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng "đen”, khiến không ít người phải “ngậm quả đắng” vì lãi suất, phí dịch vụ vay trực tuyến.
Tìm hiểu kỹ nguồn vay
Cuối tháng 4-2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự liên quan đến hơn 300 đối tượng, trong đó có cả người nước ngoài. Theo điều tra ban đầu, đường dây này tổ chức cho vay nặng lãi qua các ứng dụng “cashvn”, “vaynhanhpro”, “ovay” trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Thủ đoạn của các đối tượng là chạy quảng cáo trên mạng xã hội, mời chào khách hàng có nhu cầu vay tiền qua các app trên, thế chấp bằng hình ảnh cá nhân kèm thông tin nhân thân và danh bạ điện thoại. Số tiền lãi sẽ được phía công ty tài chính cắt ngay khi chuyển tiền giải ngân cho khách hàng. Nếu không trả được nợ gốc, tiền lãi sẽ nhân lên theo ngày, lãi mẹ đẻ lãi con, lên tới 2.190%/năm…
Theo ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ đầu năm 2022 đến nay, có 2.624 người báo cáo lừa đảo qua canhbao.ncsc.gov.vn (trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam). Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng liên quan tới hoạt động tín dụng “đen” chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về.
Vì vậy, trong trường hợp muốn sử dụng loại hình vay tiền trực tuyến, người dân cần tìm hiểu kỹ và phân biệt được ứng dụng vay vốn chính thống do các ngân hàng uy tín thực hiện với những ứng dụng tín dụng "đen” trá hình. Theo khuyến cáo của những người hoạt động trong ngành ngân hàng, người vay cần quan sát kỹ ứng dụng đó có logo (thương hiệu nhận diện) của ngân hàng, tổ chức tín dụng hay công ty tài chính chính thống nào hay không. Trước khi tiến hành nhập thông tin và đăng ký vay, cần thận trọng tìm hiểu thông tin qua các kênh khác nhau, xác thực lại bằng cách gọi số điện thoại đường dây nóng (hotline) trên ứng dụng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín sẽ thể hiện đầy đủ các thông tin như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…), mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… Đặc biệt, khi thực hiện giao dịch, người vay không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.
Quý khách hàng có nhu cầu Vay theo BHNT nhanh nhất. Không gặp mặt, không thẩm định, nhận tiền qua ngân hàng trong 15 phút!. Liên hệ vay ngay!