Vài năm trở lại đây, khi ý thức bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên được nâng cao, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tại chỗ cũng vì thế được chú trọng.
Theo đó, Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng không còn tình trạng “chảy máu” cồng chiêng, các cộng đồng dân tộc thiểu số đã tự mình bảo vệ những bộ chiêng với ý nghĩa tinh thần lớn lao.
Thành phố Kon Tum là địa phương đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, đặc biệt là lưu giữ cồng chiêng. Chúng tôi đến thăm già A Ginh khi già cùng con cháu mang bộ cồng chiêng gần 100 năm tuổi cất kỹ trong tủ ra lau chùi, chỉnh âm chuẩn bị cho lễ hội của làng. Già A Ginh cười hiền hậu: “Dân làng Rơ Wăt thấy bộ cồng chiêng và già A Ginh là như thấy lại bao nhiêu kỷ niệm trong quá khứ ùa về, để không quên nguồn cội, không quên thời cha ông cố gắng gìn giữ và bảo văn hóa buôn làng mình của thế kỷ trước. Nhiều người trả giá cao để mua bộ cồng chiêng này nhưng già không bán đâu.”
Bà Y Kích, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đang cất giữ bộ cồng chiêng, gồm có 6 chiêng, 3 cồng được vợ chồng bà mua trước năm 1975, biết chiêng quý có người đến mua với giá vài chục triệu bà nhất quyết không bán. Cũng theo bà Y Kích để bảo tồn văn hóa dân tộc Ba Na phải giữ cẩn thận những bộ cồng chiêng để đời sau khi đánh cồng chiêng nhớ về nguồn cội.
Không riêng gì bà Y Kích, những hộ gia đình khác trong làng cũng sợ bị mất những bộ chiêng cổ nên đem giấu trong rừng hoặc trong nhà đầm, nhà rẫy không dám để ở nhà. Anh A Nghin, xã đội trưởng xã Đăk Pne cho biết, khi nghe ai hỏi về cồng chiêng là bà con ở đây im lặng không nói hoặc nhất quyết không đổi, không bán mà giữ làm tài sản cá nhân để làm vật kỷ niệm cho con cháu.
Anh Đinh Nan ở thôn 1, làng Kon Túc, xã Đăk Pne cũng có một bộ cồng chiêng 11 cái, gồm 8 chiêng, 3 cồng được bố mẹ cho từ năm 1990. “Lúc gia đình khó khăn, rất cần tiền, tôi chấp nhận vay ngân hàng, vay bà con để xoay sở chứ không bao giờ bán bộ cồng chiêng mặc dù lúc đó có người trả giá 30 triệu đồng. Bởi vì bộ cồng chiêng này là của ông tôi để lại cho cha tôi, rồi cha tôi để lại cho tôi, sau này tôi sẽ để lại cho con, cháu tôi chứ không bán. Bán cồng chiêng là bán văn hóa, bán kỷ niệm đấy” – anh Nan chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tố Như, cán bộ văn hóa xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) cho biết: “Hiện tại xã Đăk Pne có gần 50 bộ cồng chiêng được lưu giữ trong 4 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ trước tới nay, dù có thiếu ăn, thiếu mặc hay nghèo đói vẫn không bao giờ bán hay đổi những bộ cồng chiêng đó, thậm chí họ sợ mất nên cất giấu rất kỹ. Tận dụng nguồn cồng chiêng vẫn còn được bà con lưu giữ, chính quyền xã Đăk Pne đang tiến hành làm đề án du lịch, mở thôn điểm để truyền dạy cồng chiêng thu hút du khách đến với địa phương.”
Huyện Sa Thầy (Kon Tum) cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa nhất là công tác bảo tồn cồng chiêng. Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, thông tin huyện Sa Thầy, hiện huyện còn 443 bộ cồng chiêng do các thôn, làng và các hộ dân chủ sở hữu; trong đó có nhiều bộ cồng chiêng quý trị giá hàng chục con trâu, bò theo quy đổi.
Tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy chỉ có 2 bộ cồng chiêng cùng một chủ sở hữu là anh A Điểu. A Điểu cho biết: “Hồi nhỏ thấy mỗi khi lễ hội làng không có chiêng để đánh nên tôi đã tự bỏ tiền ra mua một bộ chiêng, với mong muốn giúp bà con con giữ được văn hóa buôn làng. Năm 2008, mua bộ chiêng này là cả một gia tài của gia đình nhưng tôi vẫn muốn mua, vẫn muốn giữ lại văn hóa cộng đồng dân tộc mình để sau này con cháu còn nhớ đến nguồn gốc cha ông khi đánh cồng chiêng trong lễ hội.”
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà sàn của già A Ram, người lưu giữ rất nhiều bộ chiêng quý tại làng Chốt, thị trấn Sa Thầy. Ông đang sở hữu bộ chiêng Honh 18 chiêng; bộ chiêng Lào 2 lá chiêng đều có giá bán khoảng 60 triệu đồng; bộ chiêng Pôm được định giá 150 triệu đồng; bộ chiêng Pát có giá trị cao gấp nhiều lần bộ chiêng Pôm.
Ông Trần Văn Tiên, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sa Thầy cho biết: “Bà con bây giờ biết quý, biết giữ gìn văn hóa dân tộc mình rồi nên từ năm 2012 đến nay, số lượng cồng chiêng trong huyện không biến đổi về số lượng. Hiện toàn huyện có 443 bộ cồng chiêng, đặc biệt tại xã Rờ Kơi và Mô Rai bà con còn lưu giữ rất nhiều bộ chiêng quý và nhất quyết không bán với bất kỳ giá nào.”
Ngọc Hồi là huyện còn giữ được khá nhiều bộ chiêng chủ yếu là sở hữu của người dân có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc bỏ tiền mua về phục vụ lễ hội các buôn làng, với 84 bộ, gồm chiêng Tha, chiêng Lào, chiêng Goong được bà con cất giữ cẩn thận. Theo Phó phòng Văn hóa thông tin huyện Ngọc Hồi Hoàng Huy Quyền, qua công tác tuyên truyền, đến nay người dân đã ý thức giữ gìn và mua thêm cồng chiêng về để phát huy văn hóa dân tộc.
Xem thêm: Tới Vũng Tàu: chiêm ngưỡng Côn Đảo từ trên cao